Quyết hy sinh vì Đảng – vì Dân
Không phải ngẫu nhiên mà danh từ “Điện Biên Phủ” lại có tên trong từ điển bách khoa quân sự thế giới. Hơn 6 thập kỷ trước, với sức mạnh trí tuệ, bản lĩnh anh hùng, quân và dân ta đã “lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều”, giành toàn thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Cũng tại thời điểm đó, không biết bao nhiêu chiến sĩ đã ngã xuống để giành lại độc lập tự do cho dân tộc. Anh hùng Phan Đình Giót là một điển hình của nhiều chiến sĩ chiến trận thời ấy.
Tuổi thơ Phan Đình Giót phải sống trong nghèo khó, bố bị chết đói, hai anh em phải sống cùng mẹ trong một túp lều tranh dột nát, xiêu vẹo. Đói quá không có cái ăn, cả anh và người em trai đều phải đi ở đợ từ lúc lên sáu, lên bảy, một tuổi thơ cực kì bất hạnh.
Ngày đó, kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Phan Đình Giót chia tay gia đình, giã từ cuộc sống nô lệ lầm than, tham gia kháng chiến chống Pháp. Những trận đánh có Phan Đình Giót đều lập được chiến công. Có lần anh còn chích máu viết bản quyết tâm thư gửi lên đại đoàn, thể hiện chí khí hiên ngang của một người đã giác ngộ và đi theo cách mạng, quyết tâm chiến đấu vì tổ quốc. Chí khí đó, lòng dũng cảm đó của Phan Đình Giót được ghi nhận. Và câu chuyện về người anh hùng lấy thân mình lấp lỗ châu mai trong trận chiến lịch sử Điện Biên Phủ đã trở thành một huyền thoại bất tử trong lịch sử giải phóng dân tộc ta.
Mùa đông năm 1953, đơn vị anh được lệnh tham gia chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Hành quân gần 500 km, vượt qua nhiều đèo dốc, mang vác nặng nhưng đồng chí vẫn kiên trì, giúp đồng đội về tới đích. Trong nhiệm vụ xẻ núi, mở đường, kéo pháo lên đèo xuống dốc vào trận địa rất gay go gian khổ, anh đã nêu cao tinh thần gương mẫu, bền bỉ và động viên anh em kiên quyết chấp hành nghiêm mệnh lệnh của cấp trên. Chiều ngày 13 tháng 3 năm 1954, quân ta nổ súng tiêu diệt Him Lam. Cả trận địa rung chuyển mù mịt sau nhiều loạt pháo ta bắn chuẩn bị. Các chiến sỹ đại đội 58 lao lên mở đường, đã liên tiếp đánh đến quả bộc phá thứ tám. Phan Đình Giót đánh quả thứ chín thì bị thương vào đùi nhưng vẫn xung phong đánh tiếp quả thứ mười. Quân Pháp tập trung hoả lực trút đạn như mưa xuống trận địa ta. Đồng đội bị thương vong nhiều. Lửa căm thù bùng phát, anh lao lên đánh liên tiếp hai quả nữa phá toang hàng rào cuối cùng, mở thông đường để đồng đội lên đánh sập lô cốt đầu cầu. Lợi dụng lúc địch đang hoang mang, Phan Đình Giót xông lên bám chắc lô cốt số 2, ném thủ pháo, bắn kiềm chế cho đơn vị tiến lên. Anh lại bị thương vào vai, máu chảy đầm đìa. Nhưng bất ngờ từ hoả điểm lô cốt số 3 của lính Pháp bắn rất mạnh vào đội hình ta. Lực lượng xung kích bị ùn lại, Phan Đình Giót cố gắng lê lên nhích dần đến gần lô cốt số 3 với ý nghĩ duy nhất là dập tắt ngay lô cốt này. Anh đã dùng hết sức mình còn lại nâng tiểu liên lên bắn mạnh vào lỗ châu mai, miệng hô to: “Quyết hy sinh…vì Đảng…vì dân!!..” rồi rướn người lấy đà, lao cả thân mình bịt kín lỗ châu mai địch. Hoả điểm lợi hại nhất của quân Pháp đã bị dập tắt, toàn đơn vị ồ ạt xông, tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam, giành thắng lợi trong trận đánh mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ.
Anh đã về nơi an nghỉ cùng với những thế hệ đàn anh, đàn chị đã hy sinh vì tổ quốc cùng với sự cảm kích và tự hào của biết bao thế hệ về sau. Cả đất nước, cả lịch sử và cả những thế hệ mãi mãi về sau sẽ luôn nhắc đến anh, người anh hùng của dân tộc như một niềm tự hào, tự tôn của dân tộc Việt Nam – một dân tộc hơn bốn nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Lịch sử dân tộc sẽ mãi khắc ghi tên tuổi anh vào những trang vàng của đất nước, của niềm tin, niềm tự hào của mãi mãi những thế hệ về sau.
Chiến tranh đã qua đi, nhưng tất cả chúng ta – những người may mắn và hạnh phúc sinh ra trong thời bình không lúc nào nguôi ngoai những mất mát, những nỗi đau mà nó để lại. Những người con anh dũng của tổ quốc, có người còn sống nhưng cũng có người đã nằm lại với Đất mẹ thân yêu. Nhưng những chiến công và tên tuổi của các anh đã trở thành bất tử, khắc ghi vào lịch sử dân tộc và mãi mãi được thế hệ những người Việt Nam tưởng nhớ.
DƯƠNG MỸ HIỀN
Tác giả bài viết đạt Giải Nhì
Hoạt động “Ký Ức Tự Hào”