Người hùng lấy thân mình lấp lỗ châu mai – Phan Đình Giót
Để góp phần vào sự thành công của chiến thắng Điện Biên Phủ tháng 05/1954 đã có biết bao tấm gương anh dũng hy sinh khi tuổi đời vẫn còn xuân xanh. Những người chiến sĩ mang trên mình một tình yêu Tổ quốc, sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc như: Bế Văn Đàn lấy vai làm giá súng, Tô Vĩnh Diện dùng thân chèn pháo, Trần Can hiên ngang dẫn đầu tiểu đội vượt qua lô cốt tiền duyên để xông vào sở chỉ huy, rồi cắm cờ lên lô cốt Him Lam… Nhưng ấn tượng với tôi nhất là người anh hùng lấy thân mình lấp lỗ châu mai – Phan Đình Giót.
Phan Đình Giót (1922-1954) là một trong 16 “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” được tuyên dương vì thành tích trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Chức vụ cuối của ông là Tiểu đội phó bộ binh Đại đội 58, Tiểu đoàn 428, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312, là một Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Phan Đình Giót sinh ở làng Vĩnh Yên (nay là thôn 8), xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh , trong một gia đình rất nghèo. Bố ông bị chết vì đói. Ông phải đi ở từ năm 13 tuổi và chịu cảnh cực nhọc, vất vả. Sau Cách mạng tháng Tám, Phan Đình Giót tham gia tự vệ chiến đấu. Đến năm 1950, Phan Đình Giót xung phong đi bộ đội chủ lực. Phan Đình Giót đã tham gia nhiều chiến dịch lớn như: Trung Du, Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên Phủ.
Mùa đông năm 1953, đơn vị được lệnh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Lực lượng hành quân gần 500 người, vượt qua nhiều đèo dốc, mang vác nặng nhưng theo lời kể, ông vẫn kiên trì, giúp đồng đội về tới đích. Chiều ngày 13 tháng 3 năm 1954, đơn vị của ông nổ súng tiêu diệt Him Lam. Bộ đội đại đội 58 lao lên mở đường, đã liên tiếp đánh đến quả bộc phá thứ tám. Phan Đình Giót đánh quả thứ chín thì bị thương vào đùi nhưng vẫn xung phong đánh tiếp quả thứ mười. Quân Pháp tập trung hỏa lực trút đạn như mưa xuống trận địa. Bộ đội bị thương vong nhiều. Sau đó, Phan Đình Giót đánh liên tiếp hai quả bộc phá nữa, phá hàng rào cuối cùng, mở thông đường để quân đội lên đánh lô cốt đầu cầu. Quân Pháp hoang mang, vận dụng thời cơ, Phan Đình Giót vọt tiến công lô cốt số 2, ném thủ pháo, bắn kiềm chế cho đơn vị tiến lên. Trong đợt này, Phan Đình Giót bị thương vào vai, mất máu nhiều.
Bất ngờ, hỏa điểm lô cốt số 3 của lính Pháp bắn mạnh. Lực lượng xung kích Việt Nam bị ùn lại, Phan Đình Giót đến lô cốt số 3 với ý nghĩ là dập tắt ngay lô cốt này. Phan Đình Giót đã nâng tiểu liên bắn vào lỗ châu mai, miệng hô to:
“Quyết hy sinh vì Đảng, vì dân”
AHLLVTND Phan Đình Giót
Rồi sau đó, Phan Đình Giót lao cả thân mình vào bịt kín lỗ châu mai. Hỏa điểm bị dập tắt, quân Việt Nam tiếp tục xung phong tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam vào ngày 13 tháng 3 năm 1954, giành thắng lợi trong trận đánh mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ.
Phan Đình Giót hy sinh lúc 22 giờ 30 phút ngày 13/3/1954 ở tuổi 34. Phan Đình Giót được nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân ngày 31/3/1955. Khi hy sinh, anh là Tiểu đội phó bộ binh Đại đội 58, Tiểu đoàn 428, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312, là Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, được tặng Huân chương Quân công hạng nhì.
Trải qua 56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm mưa dầm cơm vắt máu trộn bùn non, ngày 7/5/1954 quân ta đã toàn thắng ở Điện Biên Phủ, bắt sống tướng Christian de Castries và toàn bộ ban tham mưu tập đoàn cứ điểm. Cho đến tận bây giờ chúng ta vẫn luôn xúc động nhớ tới những anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hi sinh. Gương hi sinh của Phan Đình Giót đã được cả thế giới biết đến với chiến thắng lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu. Bằng sự biết ơn vô hạn đó, nhà thơ Bùi Quang Thanh có viết:
Khi lồng ngực anh ấp trùm lên hỏa điểm
Bên tượng đài Anh hùng Phan Đình Giót, 04/05/2004
Súng giặc nghẽn đồng đội anh xông đến
Tổ quốc bật lên khúc khải hoàn
Tràn ngập đỉnh đồi A1 Him Lam.
Phan Đình Giót – ông ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ, nhưng những gì ông cống hiến và hy sinh cho quê hương sẽ còn ghi mãi vào sử sách và tâm khảm của tôi và người dân Việt Nam. Tấm gương của ông về lớp đàn anh, người chỉ huy dũng cảm, kiên trung, luôn luôn quan tâm đến đồng đội, không lùi bước trước mọi gian khổ hiểm nguy, giành lấy khó khăn về mình để đồng đội tiếp tục bước tiếp. Một tấm gương sáng ngời về nghị lực phi thường, tình yêu quê hương sâu sắc, căm thù giặc quyết tâm giữ vững tay súng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Để kỷ niệm 67 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (07/05/1954 – 07/05/2021), tôi và tất cả chúng ta xin được dành sự tri ân sâu sắc đến người anh hùng Phan Đình Giót – người con ưu tú của đất Hà Tĩnh, tên tuổi và những chiến công của ông không bao giờ có thể quên lãng trong tâm trí tôi và những thế hệ mai sau.
LÊ NGUYỄN THU NGÂN
Tác giải bài viết đạt Giải Ba
Hoạt động “Ký Ức Tự Hào”