• Chủ Nhật, 10/11/2024

Hải đăng Lý Sơn – Nơi gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử

Tiếng sóng vỗ rì rào dưới cái trời nắng gắt và mang một chút gì đó hương vị mằn mặn của gió biển, Lý Sơn của tôi hiện lên trong một khung cảnh yên bình và trong trẻo đến lạ! Điều đó càng làm cho tôi nhận thức sâu sắc hơn rằng để có được ngày hôm nay, các thế hệ cha anh đã ra sức gìn giữ, đánh đổi biết bao mồ hôi công sức, từ biệt gia đình, người thân đi thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng, hoàn thành sứ mệnh cao cả. Nơi đây đã ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử, đặc biệt là Ngọn hải đăng Lý Sơn – nơi đánh dấu biết bao hy sinh, nỗ lực của ông cha ta trong thời kỳ thực dân Pháp đô hộ.

Vào những năm 1930 – 1931, ngọn hải đăng được thực dân Pháp xây dựng và đặt tên là Phare Polo Canton hay người ta còn gọi là Sở Đèn pha, với mục đích giúp tàu thuyền qua lại dễ dàng, thuận tiện. Nhưng mục đích đằng sau đó chính là để giam giữ những người dân đảo nổi dậy chống thực dân. Sự kiện vào tối ngày 09 tháng 3 năm 1945, sau khi phát xít Nhật đảo chính Pháp, độc chiếm Đông Dương, một vài máy bay áp chế trên không bắn xuống vài phát súng và thả 2 quả bom cách Sở Đèn pha chừng 250 – 400m. Lính Pháp trông coi đèn bỏ chạy, Sở Đèn pha không có người canh giữ bị bỏ trống. Thừa cơ hội ấy, tối đến các đồng chí cách mạng tiền khởi nghĩa xã An Hải đưa lực lượng du kích bí mật đến đây luyện tập.

Cao trào cuộc khởi nghĩa vũ trang cướp chính quyền xây dựng nền dân chủ cộng hoà ngày 16/8/1945, toàn dân trên đảo cũng kéo về ngọn hải đăng này, ngọn cờ đỏ sao vàng cũng được lực lượng khởi nghĩa cắm lên đỉnh chóp. Kể từ đây quét sạch chế độ thực dân phong kiến, đưa nhân dân ra khỏi ách nô lệ, ngọn cờ cách mạng phấp phới trên quê hương Huyện đảo Lý Sơn.

Ngọn hải đăng Huyện đảo Lý Sơn – chứng nhân lịch sử của mảnh đất và con người nơi đây

Dưới sự tra tấn không từ thủ đoạn để tiêu diệt ý chí cách mạng của những người dân đảo. Nhưng với lòng kiên trì, sự dũng cảm kiên cường đã đánh bại hoàn toàn mọi âm mưu của chúng. Lòng biết ơn sâu sắc với những tấm gương, những anh hùng đã nằm xuống để đổi lại mảnh đất “màu mỡ” này.

Đến ngày nay Ngọn hải đăng vẫn được những “chiến binh” trông giữ và được ví với cái tên dí dỏm là “Thần đèn”. Mỗi lần đi học xa có dịp được về quê, tôi lại có cảm xúc nôn nao khó tả, đặc biệt hơn là khi nhìn thấy xa xa có cái hình ảnh quen thuộc ngày nào như đang vẫy tay chào đón đứa con đi học xa xứ trở về với đảo.

Ngọn hải đăng như một “chứng nhân” lịch sử chứng kiến bao thăng trầm tại vùng đất nơi đây, từ những ngày đầu tiên giành được độc lập ở Lý Sơn đến những ngày yên bình, phát triển và thu hút nhiều người ghé thăm của quê hương “đất tỏi” như hôm nay. Lý Sơn tôi đó! Nhớ lắm! Thân thuộc lắm!

NGUYỄN THỊ YẾN
Bài viết hoạt động “Ký Ức Tự Hào”

Related post