• Thứ Năm, 24/04/2025

Chủ tịch Tôn Đức Thắng – Tấm gương cách mạng sáng ngời

 Chủ tịch Tôn Đức Thắng – Tấm gương cách mạng sáng ngời

Là một trong số mười ba tỉnh miền Tây Nam Bộ, An Giang – vùng đất phù sa màu mỡ, bốn mùa cây trái xanh tươi, con người giàu tình nghĩa gắn liền với truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm từ lâu đời. Nơi đây đồng thời cũng là quê hương của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng – một nhà lãnh đạo lỗi lạc và mẫu mực. Bác là niềm tự hào to lớn của dân tộc Việt Nam nói chung và con người An Giang nói riêng, mỗi khi nhắc đến Bác người ta thường hay gọi là Bác Tôn để thể hiện sự gần gũi và kính trọng nhất.

 Chủ tịch Tôn Đức Thắng sinh ra trong hoàn cảnh đất nước bị ngoại xâm, các phong trào yêu nước bị thất bại, loạn lạc, lẽ đương nhiên khi không khí chính trị lúc bấy giờ đã tác động sâu sắc đến nhận thức của Bác từ thuở thiếu thời. Cuộc đời hoạt động của Bác đã sớm có chí hướng đi về phía nhân dân lao động, hoà mình vào đời sống của giai cấp công nhân. Từ một công nhân, lính thợ đến tổ chức đấu tranh cách mạng, từ ngục tù Côn Đảo đến tham gia kháng chiến, và Người đã đảm nhiệm qua các chức vụ quan trọng trong bộ máy lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Khi trên cương vị Chủ tịch nước, Bác vẫn luôn toát lên vẻ khiêm tốn, giản dị vốn có của một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng. Từ cuộc sống đồng cam cộng khổ với giai cấp công nhân nghèo bị áp bức, bóc lột, Bác đã nung nấu một tinh thần yêu nước, căm thù đế quốc thực dân. Hoạt động trong phong trào công nhân, Bác tỏ rõ năng lực tập hợp, tổ chức lực lượng, thông qua việc liên hệ chặt chẽ với học sinh Trường Bá nghệ và công nhân Xưởng Ba Son. 

Cũng là một người con của mảnh đất An Giang, bản thân tôi luôn mang một niềm tự hào, một cảm xúc khó tả khi được sinh ra và lớn lên ở nơi đây, nơi có Bác Tôn – một người con ưu tú của mảnh đất anh hùng, một người con quá đỗi bình thường mà vĩ đại. Trong tôi Bác là hình mẫu của một người công nhân bình thường nhưng mang trong mình một nhân cách cao đẹp của một người cộng sản, một nhân cách lớn, cao thượng và trong sáng, phẩm chất cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, biết quy tụ, đoàn kết và lãnh đạo toàn thể nhân dân, là tấm gương sáng để tôi cùng các thế hệ hôm nay và mai sau tôn vinh và học tập. Cùng với đó là lối sống mộc mạc, khiêm tốn, chan hòa tình cảm, sẵn lòng chia sẻ khó khăn với đồng chí, đồng bào.

Dù khi đã trở thành một vị nguyên thủ quốc gia, Chủ tịch Tôn Đức Thắng vẫn giữ cho mình một nếp sống giản dị của một người lao động bình thường, tự mình làm mọi việc mà không phiền ai giúp đỡ. Đảm nhiệm nhiều trọng trách của đất nước là thế nhưng đối với gia đình, Bác Tôn vẫn luôn là người chồng, người cha, người ông mẫu mực, có trách nhiệm, hết mực yêu thương, thủy chung và sâu nặng nghĩa tình đối với gia đình, vợ con. 

Vào ngày 30 tháng 3 năm 1980, tại thủ đô Hà Nội, Bác Tôn kính yêu của chúng ta đã về cõi vĩnh hằng, để lại cho Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam bao niềm thương tiếc. Chủ tịch Tôn Đức Thắng mãi mãi để lại cho đời một di sản vô cùng quý giá về tư tưởng, đạo đức và tác phong, không chỉ được thể hiện qua các áng thơ văn mà qua thực tiễn hoạt động cách mạng dày dặn, phong phú và là sự biểu hiện rực rỡ của tư duy năng động, sáng tạo của Bác. 

“Nhớ đến Bác Tôn, Đảng bộ và nhân dân An Giang luôn tâm niệm phải phấn đấu nhiều hơn, hành động quyết liệt hơn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương để xứng đáng với Bác, với mong mỏi khôn nguôi của Bác”.

Phó Chủ tịch nước VÕ THỊ ÁNH XUÂN

Chủ tịch Tôn Đức Thắng sẽ sống mãi trong tim mỗi người dân Việt Nam và luôn là niềm tự hào của con người An Giang mỗi khi nhắc đến. Để tưởng nhớ và thể hiện sự kính trọng đến Bác, khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã được lập tại ấp Mỹ An, xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang và tượng đài Bác Tôn đứng hiên ngang ở trung tâm thành phố như luôn dõi theo và nhắc nhớ chúng ta trên hành trình rèn luyện, phấn đấu và cống hiến cho quê hương, đất nước.

Nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 – 20/8/2021) cũng là dịp để mỗi người chúng ta tưởng nhớ về Bác – người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo mẫu mực suốt đời phụng sự tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Người con ưu tú của quê hương An Giang vẫn luôn sống mãi trong tình cảm của mọi người dân Việt Nam dành cho Bác. Tiếng gọi “Bác Tôn” gần gũi, thân thương đã trở thành biểu tượng vô cùng cao đẹp của sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc Việt Nam đời đời bền vững.

TRẦN HOÀNG THẮNG
Tác giả bài viết đạt Giải Nhất
Hoạt động “Ký Ức Tự Hào”

Related post