• Chủ Nhật, 16/03/2025

Tố Hữu – Người cộng sản kiên trung, nhà thơ lớn của dân tộc

Đoạn phim tài liệu về nhà thơ Tố Hữu qua giọng đọc của tác giả

Được mệnh danh là người gieo vần vĩ đại của nền thơ ca cách mạng Việt Nam, Tố Hữu đã sống một cuộc đời trọn vẹn với cách mạng, với nghệ thuật và thơ ca. Những bài thơ của ông dễ đi vào lòng người, thức tỉnh lòng yêu nước, tinh thần tự tôn của dân tộc, cổ vũ mọi người đứng lên giành độc lập tự do. 

“Hãy đứng dậy! Ta có quyền vui sống!
Cứ tan xương, cứ chảy tuỷ, cứ rơi đầu!
Mỗi thây rơi sẽ là mỗi nhịp cầu
Cho ta bước đến cõi đời cao rộng.”

Hãy đứng dậy, Tố Hữu

Trong 82 năm cuộc đời, Tố Hữu đã dành gần 70 năm không ngừng nghỉ hoạt động cách mạng. Ông đã để lại cho đời một di sản văn chương vô giá còn mãi với dân tộc mà ở đó mỗi vần thơ là một vũ khí chiến đấu, là một nỗi lòng thổn thức của ông trước những sự kiện trọng đại của dân tộc và của đời mình.

Bác Hồ và nhà thơ Tố Hữu

Có thể nói khi Tố Hữu rãi bút đến đâu thì sự lôi cuốn, khích lệ, động viên trong thơ của ông toát lên và để lại trong lòng nhân dân niềm tin đến đó, như ông đã ghi lại tất cả sự cảm nhận chân thành về hiện thực của những tháng ngày cách mạng vào thơ.

Tháng năm hoạt động cách mạng là nguồn cảm hứng dạt dào cho Tố Hữu, một năm tháng đi qua là một bài thơ để lại, góp nhặt lại sẽ tạo nên một cuốn từ điển cách mạng cho đời. Xuyên suốt những dòng cảm hứng của Tố Hữu là cách lưu giữ khác nhau về cách mạng, lưu giữ tình cảm cao cả của một “Bà má Hậu Giang” không khuất phục trước bọn ngoại xâm để bảo vệ các con, hay cái nỗi nhớ của con dành cho “Bầm”:

 “Bầm ơi có rét không bầm!
Heo heo gió núi, lâm thâm mưa phùn”

Bầm ơi!, Tố Hữu

Tố Hữu – “Cánh chim đầu đàn của nền thi ca cách mạng Việt Nam” đã mang mạch nguồn chân lý cùng tinh thần lãng mạn cách mạng truyền tải qua thơ:

“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim”

Từ ấy, Tố Hữu

Thoảng qua như một khúc ca vui bởi sự gặp gỡ của khát vọng tuổi trẻ và lý tưởng cách mạng sáng ngời, từng câu từng dòng chữ của ông luôn muốn truyền cảm hứng lạc quan, tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng gian khổ, anh dũng mà vẻ vang của dân tộc.

“Dù ai chia núi ngăn sông
Cũng không thể cắt được lòng Việt Nam
Chúng ta đã quyết thì làm
Đã đi phải đến hoàn toàn thành công!”

Song hành với lý tưởng trong trái tim ông là những câu thơ trên đầu bút. Chưa bao giờ lý tưởng của Tố Hữu bị trùng xuống, viết bài nào cũng vì cách mạng, vực dậy người già, người nghèo, dường như mọi nỗi đau khổ của con người thấm vào hồn của ông. Ở vai trò nào ông cũng luôn thể hiện là người dám chịu trách nhiệm, góp phần vào những quyết định táo bạo, đầy sáng tạo.

“Trái tim anh chia ba phần tươi đỏ
Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều
Phần cho thơ và phần để em yêu…”

Bài ca mùa xuân 1961, Tố Hữu

Đối với Tố Hữu “Trăm năm duyên kiếp Đảng và thơ!”. Không cầm súng thì cầm bút mà chiến đấu, dùng chính ngòi bút sắc bén của mình làm vũ khí phục vụ cách mạng. 

“Sống đã vì cách mạng, anh em ta
Chết cũng vì cách mạng, chẳng phiền hà!
Vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng
Lòng khỏe nhẹ anh dân quê sung sướng
Ngửa mình trên liếp cỏ ngủ ngon lành
Và trong mơ thơm ngát lúa đồng xanh
Vui nhẹ đến trên môi cười hy vọng.”

Trăng trối, Tố Hữu

Mang nguồn cảm hứng yêu nước thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Dâng hiến hết mình cho cách mạng đến khi… “Tạm biệt đời”

“Xin tạm biệt đời yêu quý nhất,
Còn mấy vần thơ, một nắm tro.
Thơ gửi bạn đường, tro bón đất,
Sống là cho và chết cũng là cho.”

Tạm biệt, Tố Hữu

Tố Hữu đã dùng ngòi bút của mình để viết thơ cách mạng, thơ kháng chiến, đã thực sự chinh phục được tình cảm yêu mến, sự đam mê sâu sắc trong lòng nhiều thế hệ người đọc, góp phần to lớn vào việc tuyên truyền và tổ chức thực hiện đường lối cách mạng của Đảng, góp phần vào sự phát triển của văn học Việt Nam.

LÂM MỸ ÁI
Bài viết hoạt động “Ký Ức Tự Hào”

Related post