Lửa của mẹ
Tôi là sinh viên tình nguyện hiện đang hỗ trợ điều phối ở một điểm tiêm vắc-xin tại Thành phố Hồ Chí Minh. Như mọi ngày, hôm nay khi xong việc, tôi vội cởi bỏ bộ đồ bảo hộ trên người, ngó sang nhìn bên cạnh, một anh bác sĩ trẻ với đôi bàn tay nhăn nheo vì sử dụng cồn sát khuẩn thường xuyên. Cơn mưa chiều tháng 8 đã níu giữ tôi và anh ở lại trò chuyện cùng nhau. Được biết anh là người con của mảnh đất thân yêu Ninh Bình, được điều động vào Sài Gòn chống dịch…
Reng! Reng! Reng! Cuộc điện thoại gọi tới cho anh là một người phụ nữ trung niên khoảng 50-60 tuổi, thì ra đó là mẹ của anh. Loáng thoáng tôi nghe là những lời động viên của cả hai dành cho nhau: “Hết dịch mới được về, nhất định sẽ chiến thắng” – câu nói mạnh mẽ của người mẹ, cùng với ánh mắt đầy tự hào, đầy niềm tin nhưng cũng không giấu nổi nét đượm buồn man mác. Tôi mỉm cười nhìn anh, khóe mắt tôi cay cay!
Ngẫm lại, từ thời chiến tới thời bình, mẹ nào mà chẳng thương con. Tình cảm của mẹ giản dị mà lớn lao, tình cảm ấy hòa vào tình yêu đất nước. Người mà tôi muốn nhắc đến là bà Nguyễn Thị Đích (tức cụ Bá Huy). Tôi chưa thấy tài liệu nào công nhận bà là Mẹ Việt Nam Anh hùng, nhưng đối với tôi bà ấy là một người mẹ tuyệt vời.
Đây là người phụ nữ đã lập nên trại An dưỡng thương binh đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại xã Lục Ba, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Từ cuối năm 1946, khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam, gần một trăm thương binh của Trung đoàn Thủ đô được chuyển về, từ chỗ ăn đến chỗ ở và chữa bệnh đều gặp rất nhiều khó khăn. Sẵn mang trong lòng tình cảm sâu đậm với bộ đội, với cách mạng, bà đã tự nguyện hiến 3 mẫu ruộng, 3 tấn thóc, 1 con trâu và huy động dân làng làm 10 gian nhà bằng tre, bằng gỗ, sắm sửa dụng cụ, tiện nghi để lập An dưỡng đường số 1 và là trại thương binh đầu tiên của nước ta.
Với tấm lòng bao la của bà, chiến sĩ ai cũng gọi bà là “Mẹ”. Kể từ đó, cả nước dấy lên phong trào “Hội Mẹ chiến sĩ”. Và tháng 7 năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư hết lòng khen ngợi, biểu dương những cống hiến to lớn của bà.
Với tôi, hình ảnh của bà là tấm gương phản chiếu của tình yêu thương, sự hy sinh thầm lặng. Bà là đại diện cho những phẩm chất tốt đẹp nhất, cao cả nhất của những người Mẹ Việt Nam. Ngày nào mà chiến tranh vẫn còn trên tổ quốc thân yêu, thì ngày đó vẫn có những bóng vai gầy, nép mình sau cánh cửa, có tia nắng chiều len lỏi qua vắt tranh đã cũ, làm cay khóe mắt mẹ, nước mắt rơi… Không! Mẹ phải đứng lên, mẹ chiến đấu, mẹ cũng là một người chiến sĩ, “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Cứ yên tâm, các đồng chí của con đã có mẹ chăm lo. Mẹ chỉ mong, ở nơi nào đó con được bình an!
Là một người trẻ tuổi, được sống trong đất nước hòa bình, tôi không thể nào quên công ơn của các thế hệ cha anh đã ngã xuống vì chủ quyền dân tộc. Cùng với đó, là những đóng góp lớn lao, thầm lặng của những người mẹ. Hình ảnh mẹ Đích giúp tôi hiểu được thế nào là tương thân tương ái, là “yêu tổ quốc, yêu đồng bào” như Bác Hồ đã từng căn dặn.
Trong thời kỳ đại dịch Covid-19 hiện nay, sẽ còn cần nhiều hơn nữa những “mẹ Đích”, để góp phần vào công cuộc tập hợp sức mạnh Nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc, chung tay đẩy lùi lũ giặc vô hình tàn ác, đưa đất nước trở lại với dáng vẻ nhộn nhịp, tấp nập và rộn ràng vốn có.
…viết cho những người mẹ của tôi,
PHẠM TẤN HƯNG
Uỷ viên Ban Chủ nhiệm CLB Lý luận trẻ