• Thứ Hai, 09/09/2024

Lời dặn dò trong Di chúc của Bác Hồ đối với Thanh niên

 Lời dặn dò trong Di chúc của Bác Hồ đối với Thanh niên

Bác Hồ muôn vàn kính yêu đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta một bản Di chúc vô cùng quý báu. Trải qua 49 năm, bản Di chúc đã trở thành nguồn cổ vũ to lớn đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiến lên giành thắng lợi trong sự nghiệp giải phóng Tổ quốc, thống nhất đất nước và đưa nước nhà vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Trong bản Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn kĩ càng mọi việc đối với Đảng, với nhân dân trong đó Bác vẫn dành một phần nói về thanh niên và vai trò của thanh niên, điều này đã thể hiện tư tưởng, tình cảm, sự quan tâm đặc biệt của Bác Hồ đối với những chủ nhân tương lai của đất nước. 

Những năm cuối cùng của cuộc đời, mặc dù bận rất nhiều công việc nhưng Bác vẫn chọn những khoảng thời gian thư thái nhất, đúng vào giờ đẹp nhất của một ngày, lúc 9 giờ sáng ngày 10/5/1965 Bác Hồ bắt đầu viết Di chúc. Bốn ngày tiếp sau đó, Người đã dành mỗi ngày một đến hai tiếng để viết. Sau này, vào mỗi dịp sinh nhật hàng năm, Bác lại đem bản Di chúc ra xem lại, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới của đất nước. Lần cuối cùng Bác viết và chỉnh sửa vào ngày 10/5/1969. 

Hiếm có tác phẩm nào Bác dành nhiều thời gian, tâm trí suy ngẫm thận trọng đến từng câu chữ để viết như bản Di chúc này. Với những ngôn từ bình dị mà súc tích Bác viết, chúng ta đều cảm nhận được tình cảm gần gũi, yêu thương của Người và thấy mình phải có trách nhiệm cao hơn, quyết tâm hơn để thực hiện bản Di chúc thiêng liêng. 

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Bác đã chỉ rõ: Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần là do thanh niên, thanh niên là chủ tương lai của đất nước. Nhân dịp mừng Xuân độc lập đầu tiên, tháng 1-1946, Bác đã gửi thư cho nhi đồng toàn quốc, trong thư Bác đã viết: “Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”(1). 

Tuổi trẻ của Bác đã chứng kiến các phong trào yêu nước những năm đầu thế kỷ XX phát triển mạnh mẽ như: Phong trào Đông Du, phong trào Đông Kinh nghĩa thục, Duy Tân, phong trào chống thuế ở Trung kỳ… Qua những phong trào đó, Bác đã nhận thấy rõ sức mạnh to lớn về mọi mặt của thế hệ thanh niên trong quá trình đấu tranh giành độc lập. Đặc biệt, vào những năm 1920 trên diễn đàn Hội nghị Tua (Pháp), Bác đã lên tiếng phản đối chế độ thực dân gây ra những tội ác tày trời đối với nhân dân và thanh niên ta thông qua bức thư Gửi Thanh niên Việt Nam (1925), các tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp (1925) hay Đường Kách mệnh (1927)… Bác căm phẫn lên án chế độ thực dân đầu độc, nô dịch, bóc lột dân bản xứ trong đó có thanh niên. Người khẳng định, muốn thức tỉnh dân tộc phải thức tỉnh thanh niên, vì thanh niên là một bộ phận quan trọng của dân tộc. 

Nhận định thanh niên là một trong những lực lượng nòng cốt, nên ngay từ những năm đầu về nước hoạt động, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bí mật thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (tháng 6/1925), chuẩn bị những hạt giống đỏ, ươm mầm cho sự trưởng thành, lớn mạnh của sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Trong 2 cuộc kháng chiến, Bác luôn luôn theo dõi chặt chẽ và chỉ dẫn thanh niên tham gia phong trào kháng chiến. Đặt niềm tin vào sức mạnh của thanh niên, Bác coi thanh niên là người thân trong gia đình mình, sự mất mát của thanh niên cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc là nỗi đau trong cơ thể Bác. Tháng 01 năm 1947, khi nhận được tin con trai bác sĩ Vũ Đình Tụng (Giám đốc y tế Bắc Bộ) đã anh dũng hy sinh trong chiến đấu, Bác đã gửi thư chia buồn, trong thư Bác viết: “Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi mất một đoạn ruột… Họ chết cho Tổ quốc sống mãi; vật chất họ mất nhưng tinh thần họ vẫn luôn sống với non sông Việt Nam”(2). 

Coi sự lớn mạnh của tuổi trẻ là thành công của Đảng, là thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, là sự trường tồn phát triển của xã hội, Bác luôn dày công chăm lo giáo dục thanh niên trở thành những con người mới của xã hội, chuẩn bị những tiền đề vững vàng để thanh niên sẵn sàng đón nhận sứ mệnh làm chủ nước nhà. Ngày 13-9-1958, nói chuyện tại lớp chính trị do Bộ Giáo dục tổ chức, Người đã nhấn mạnh: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”(3). 

Việc chăm sóc, giáo dục và rèn luyện thanh niên là công việc mà suốt cuộc đời mình Bác đã làm mà không biết mệt mỏi. Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Cách mạng Tháng Tám, Bác đã gửi thư cho thanh niên. Trong thư Bác đã viết: “Phải luôn luôn nâng cao chí khí cách mạng, trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Không sợ gian khổ, hy sinh, hăng hái thi đua tăng gia sản xuất và anh dũng chiến đấu, xung phong đi đầu trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước”(4). Và trước khi ra đi về với thế giới người hiền, Bác đã căn dặn: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”…”(5). Những nhìn nhận và đánh giá của Người như nhắn gửi ở lớp lớp thế hệ thanh niên về niềm tin, trí tuệ và sự sáng tạo cho một xã hội mới của dân tộc. 

Với tinh thần đó, để Đoàn thanh niên hoàn thành sứ mệnh cách mạng cao cả, Bác đã đề cao trách nhiệm cụ thể của từng đoàn viên: “Đoàn viên phải gương mẫu trong công tác, trong sản xuất, trong học tập” và trách nhiệm chung “Các chi đoàn thanh niên phải xung phong làm đầu tàu trong cuộc thi đua”. Vì thi đua là điều kiện thuận lợi giúp cho Đoàn phát triển mạnh mẽ, vững chắc và thu hút sự quan tâm của thanh niên. Phải thực hiện khẩu hiệu: Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên. Thanh niên được xác định là cánh tay đắc lực, đội hậu bị của Đảng nên Bác nhấn mạnh: Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Tư tưởng ấy chính là tinh thần xuyên suốt trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thanh niên và công tác thanh niên của Đảng. 

Thực hiện lời căn dặn của Người, 49 năm qua, các lớp thế hệ thanh niên luôn là lực lượng xung kích trên tất cả các mặt trận quân sự, kinh tế, chính trị, văn hoá… cùng với các phong trào thanh niên như: Ba sẵn sàng; Ba đảm đang; Năm xung phong… trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thì nay trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vai trò của thanh niên lại được thể hiện ở các hoạt động như: Phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp; phong trào tình nguyện; Hiến máu nhân đạo; Đền ơn, đáp nghĩa… 

Ngày nay, Thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Cùng với việc thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước đã xây dựng tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, thực sự là đội dự bị tin cậy của Đảng, hạt nhân chính trị của phong trào và các tổ chức thanh niên Việt Nam. Tăng cường giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa, ý thức công dân để hình thành thế hệ thanh niên có phẩm chất tốt đẹp, có khí phách và quyết tâm hành động thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo cơ hội cho mọi thanh niên được học tập, không ngừng nâng cao trình độ, có tri thức và kỹ năng, vươn lên ngang tầm với thanh niên các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. 

Bên cạnh đó không ngừng nâng cao chất lượng lao động trẻ, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho thanh niên đồng thời xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, tạo điều kiện cho thanh niên nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, phát triển toàn diện tích cực đóng góp cho sự phát triển của đất nước. 

Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Khóa VII nêu rõ: Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, đất nước bước vào thế kỷ XXI có vị trí xứng đáng trong cộng đồng thế giới hay không, cách mạng Việt Nam có vững bước theo con đường xã hội chủ nghĩa hay không phần lớn tùy thuộc vào lực lượng thanh niên. 

Tiếp đó, Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã khẳng định: Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội. 

Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tuổi trẻ hôm nay đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách để học tập, rèn luyện và trưởng thành, có đầy đủ bản lĩnh để bất cứ hoàn cảnh nào, được phân công đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì cũng sẵn lòng cống hiến một cách xứng đáng nhất. Năm tháng qua đi nhưng bản Di chúc của Người sẽ còn sống mãi, là kim chỉ nam cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vững bước tiến lên. 49 năm qua, các thế hệ thanh niên Việt Nam đã sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương vĩ đại của Bác kính yêu. Ngay từ hôm nay, mỗi đoàn viên thanh niên hãy cố gắng thực hiện nguyện vọng của Bác: “Đoàn viên sẽ ra sức phát triển ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm và tiến bộ mãi để xứng đáng là cánh tay đắc lực của Đảng ta”. 

Trước sự quan tâm, chăm lo và kỳ vọng lớn lao của Đảng và Nhà nước, hơn bao giờ hết, mỗi thanh niên cần nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm để không ngừng học tập và tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu để trở thành lực lượng xung kích thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng và bảo vệ vững chắc nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa là xu thế tất yếu. Xu thế này sẽ tạo ra thị trường lao động toàn cầu, công dân toàn cầu và thanh niên toàn cầu… Những năm trước năm 2010, thanh niên nước ta được đánh giá tụt hậu hơn về học vấn và tay nghề, ngoại ngữ và tin học, khả năng thích ứng, sức khỏe… nhưng đến giai đoạn 2010 – 2015 và những năm tiếp theo, thanh niên nước ta sẽ tiếp cận dần với trình độ, sức khỏe của thanh niên khu vực và thanh niên thế giới. Thanh niên Việt Nam sẽ có trình độ văn hóa, chuyên môn và tay nghề, ý chí và nghị lực không thua kém thanh niên các nước. 

Tuy nhiên, thanh niên nước ta còn thua kém thanh niên các nước tiên tiến về kỷ luật lao động, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tham gia các hoạt động quốc tế. Để giúp thanh niên tự tin tham gia có hiệu quả vào hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, đòi hỏi Đoàn và Hội phải có các hoạt động hỗ trợ thanh niên có kỹ năng, kỷ luật, có tác phong lao động công nghiệp và nếp sống văn minh. 

Thế hệ thanh niên ngày nay được sống, lao động, học tập trong môi trường hòa bình; được thừa hưởng những thành quả của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và công cuộc đổi mới đất nước; được cống hiến và trưởng thành trong sự ổn định về chính trị, sự phát triển vững chắc của kinh tế – xã hội và đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện; được gia đình và xã hội dành cho nhiều cơ hội học tập để có trình độ học vấn, chuyên môn cao hơn các lớp thanh niên đi trước. Những lợi thế đó là hành trang giúp thanh niên vững bước tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thanh niên đã và đang cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phấn đấu cho lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. 

Kế tục truyền thống và sự nghiệp cha anh, thanh niên Việt Nam ngày nay mang trên vai trọng trách lịch sử phải trở thành lực lượng lao động có trí tuệ , có tay nghề cao, có đạo đức và lối sống trong sáng, có sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần cường tráng để đưa Việt Nam “sánh vai với các cường quốc năm châu” như mong muốn của Bác Hồ lúc sinh thời: “Bác mong con cháu mau khôn lớn – Nối tiếp cha ông bước kịp mình” (thơ Tố Hữu). 

(1) Hồ Chí minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.4, tr.167. 

(2) Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t.5, tr.32. 

(3) Hồ Chí minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.9, tr.222. 

(4) Sđd, t.11, tr.503-504. 

(5) Sđ d, t.12, tr.510. 

Mai Lệ Huyền

Related post