Huyền thoại Mẹ
Đất hỡi đất! Người vẹn lòng yêu nước
Hôn mảnh đất quê hương, Hà Đức Trọng
Viên đạn bây giờ cày lên viên đạn năm xưa
Chiếc áo màu xanh dù rách nát
Vẫn hiền hòa đùm bọc mẹ sớm trưa.
…
Ấp chiến lược đám mây đen che phủ
Lòng xót xa quặng cháy mái nhà rơm
Mẹ lom khom vịn vào vai núi
Chúng con đi mờ khuất dãy Trường Sơn.
…
Tôi không khóc nhưng bỗng trào nước mắt
Con đã về với mẹ quê hương.
Có một câu chuyện cảm động được kể lại vào năm 1998, lúc Mẹ còn sống có một đoàn khách nước ngoài về thăm Mẹ, sau khi nghe những câu chuyện về lịch sử, sự hy sinh anh dũng của những người con đất Quảng, một nhà báo người Hàn Quốc, cũng là một cựu chiến binh đã hỏi Mẹ:
“Thưa bà, quan niệm người Á Đông, con cái là phúc lộc, là tài sản. Khi người con thứ tư, thứ năm tử trận, tại sao bà vẫn cứ tiếp tục động viên những người con khác của mình ra trận?”
Mẹ điềm nhiên nhai trầu, thong thả nhìn vào nhà báo rồi nói:
“Thưa ông, tôi không được học nhiều, biết nhiều như ông, nhưng ở đất nước tôi cụ Hồ đã dạy: “Không có gì quý hơn độc lập – tự do” vì vậy người Việt, trong đó có các con cháu tôi đều chiến đấu sẵn sàng hy sinh cả tính mạng để giành lấy độc lập tự do mà hôm nay chúng tôi được hưởng.”
Nghe Mẹ nói, nhà báo sững người rồi quỳ xuống xin lỗi Mẹ mà nước mắt rưng rưng.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, hàng triệu bà mẹ Việt Nam đã “thắt lưng buộc bụng” anh dũng và quả cảm, chôn giấu nỗi đau mất chồng, mất con để âm thầm lặng lẽ hy sinh cho độc lập tự do của tổ quốc. “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” đó là tuyên ngôn đanh thép của người phụ nữ Việt Nam khi tổ quốc có xâm lăng. Không phải ngẫu nhiên mà hình ảnh “người mẹ Việt Nam” gắn liền với cụm từ “tổ quốc thiêng liêng”. Vâng, mỗi người mẹ có một số phận và hoàn cảnh khác nhau nhưng cùng chung một nỗi đau, những giọt nước mắt âm thầm và trĩu nặng chảy vào trong. Chúng ta từng chứng kiến nhiều bà mẹ sau chiến tranh vẫn ngày ngày đứng bên bầu cửa ngóng tin con trở về.
Và ở Quảng Nam cũng có một bà mẹ như vậy, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ, Mẹ có 9 người con ruột, 1 con rể và 2 cháu ngoại lần lượt hy sinh và giành độc lập, tự do cho dân tộc. Có lẽ trên thế giới này, không đâu bằng Việt Nam có những người mẹ lại hy sinh cao cả như vậy. Những người mẹ mảnh mai gầy gò lại có một nghị lực phi thường, một sức sống mãnh liệt không có gì khuất phục.
Hình ảnh mẹ Thứ ngồi cùng với 9 bát cơm để tưởng nhớ 9 người con chắc chắn cũng khiến ai trong chúng ta xúc động mà rơm rớm nước mắt. Đều đặn cứ mỗi khi đến ngày giỗ của các con, Tết Nguyên Đán, ngày Thương binh liệt sĩ,… Mẹ lọ mò đến bàn thờ thắp 9 ngọn nến, 9 nén hương và xếp 9 cái bát để gọi các con về.
Lại có những đêm thiếp đi trong cơn mê, bất giác Mẹ như thấy các con về, Mẹ choàng tỉnh dậy, nước mắt lưng tròng đứng trước bàn thờ, gọi tên từng người con yêu quý và thắp 9 nén hương. Trong tim Mẹ là đau xót và nỗi nhớ khôn nguôi những đứa con bé bỏng và kiên cường của mình. Nỗi đau chồng chất nỗi đau, trong vòng 4 tháng, Mẹ mất 4 người con. Nấm mồ này cỏ chưa kịp lên xanh thì Mẹ lại phải đắp thêm nấm mồ khác. Mỗi lần nghe tin một người con hy sinh, Mẹ cắn răng khóc thầm. Đau thương không làm cho Mẹ gục ngã, gạt đi nước mắt Mẹ tiếp tục động viên những người con khác lên đường chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Thế nhưng nỗi đau vẫn cứ liên tiếp xảy ra, người con trai cả của Mẹ hy sinh lúc 9 giờ sáng ngày 30/4/1975. Chỉ trước vài giờ, khúc khải hoàn ca chiến thắng vang dậy, non sông thu về một mối. Suốt ba mươi năm kháng chiến trường kỳ, bao đau thương tới tấp đến với gia đình Mẹ, với 9 đứa con ra đi không một đứa trở về.
Chiến tranh đã ngủ xa hơn 50 năm nhưng không một ngày nào Mẹ nguôi nhớ về các con. Hình ảnh đôi bàn tay nhăn nheo của người mẹ già ôm hài cốt của con bao bọc trong lá cờ tổ quốc đã lấy đi nước mắt của hàng triệu người dân Việt Nam.
“Con đi trăm núi ngàn khe
Bầm ơi!, Tố Hữu
Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm,
Con đi đánh giặc mười năm
Chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi.”
Nhằm tưởng nhớ công ơn của Mẹ, ngày 17/12/1994, mẹ Nguyễn Thị Thứ được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”. Mẹ ra đi vào ngày 10/12/2010, tuy Mẹ không còn nữa nhưng tên tuổi của Mẹ vẫn còn mãi sáng ngời trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Trân trọng với những gì mà các bà mẹ Việt Nam anh hùng đã cống hiến cho tổ quốc, tỉnh Quảng Nam được lựa chọn là nơi xây dựng tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, lấy chân dung là mẹ Nguyễn Thị Thứ.
NGUYỄN TUẤN KIỆT
Bài viết hoạt động “Ký Ức Tự Hào”